RSS

Đào thất thốn - giống đào vương giả

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người miền Nam chọn những chậu mai vàng còn người miền Bắc thường tìm kiếm cho mình những cây đào, thậm chí chỉ là 1 cành đào với những nụ hoa tươi thắm, góp phần tăng thêm không khí ngày xuân. Chính vì vậy mà thị trường hoa đào ngày tết luôn nhộn nhịp, đa dạng về chủng loại và kiểu dáng. Với thú chơi đào thì có nhiều loại như : Đào phai, đào bích, đào rừng, đào vườn, đào đá…...Nhưng những cây đào đem lại giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị kinh tế cao, trong đó phải kể đến đào Thất thốn, loại đào mà nhiều người cho rằng nó đã mai một dần theo thời gian.Đào Thất thốn ưa cái sự “ít”, thân cô độc, ít cành và là loại " Nuôi mãi không chịu lớn !" Mầm nhỏ xanh tía như lưỡi kiếm vung lên. Hoa đỏ thắm tươi, nếu cây ít hoa thì bền kỳ lạ, nếu hoa nở nhiều thì chóng tàn hơn đào thường và hiếm khi chịu nở hoa đúng Tết Nguyên đán.
Mỗi thốn, tức mỗi tấc theo cách gọi của các cụ có thể có 7 hoa đào, vì thế mới có tên gọi Thất thốn.Hay cách lý  cùn và tếu thì "Thất thốn có nghĩa là… tốn thời gian, vì chăm đào Thất thốn rất kỳ công, tốn nhiều thời gian . Có rất nhiều cách giải thích khác về tên gọi của loại đào "quý tộc" này như: Thất là vì thông thường cả cây đào một năm chỉ ra 7 hoa, rồi lá dài 7cm hay một năm các cành chỉ lớn thêm 7 tấc… cây chỉ chịu cao thêm khoảng 7 thốn (hơn 20cm nên được gọi là "thất thốn" ..... Chúng ta cùng du ngoại để xem giống đào quý này có ở những đâu.


  Ở Nhật Tân :

21 năm mới nở hoa 3 lần
 
Dáng hình trầm mặc, cổ kính. Vẻ phong trần sương gió tựa tùng bách trong tranh thủy mặc xưa. Không đợi tới cành, những lá non tơ như lưỡi kiếm, những hoa thắm sắc hơn hoa hồng bật ra từ gốc và thân. Đào Thất thốn mê hoặc người chơi ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Vẻ đẹp của Thất thốn, ngoài sắc đỏ thắm lạ lùng hơn sắc hồng nhung mà chưa bút nào tả xiết, còn ở cách đâm hoa. Khác với đào thường, hoa chỉ nở từ những cành nhỏ, Thất thốn nở hoa từ những trụ gốc xù xì, dáng cổ thụ, có cây, hoa nở kề mặt đất. Vì thế, người ta dễ liên tưởng, Thất thốn từ tranh thủy mặc mà vươn ra ngoài đời, những thứ cây khác không thể nào có được.
 
Một nghệ nhân lâu năm ở làng đào Nhật Tân, thuộc hàng con cháu so với lớp nghệ nhân trồng đào cao niên, anh “mới” trồng đào được 22 năm thì 21 năm sống chết cùng Thất thốn. Suốt 21 năm trời, anh mới vài ba lần được “toại nguyện”. Năm 1994, không hiểu vì sao Thất thốn đồng loạt ra hoa, bẵng đi hơn chục năm trời, năm 2007 một cây Thất thốn duy nhất trổ một bông hoa. Dù chỉ một hoa, cũng bừng cho anh một niềm hy vọng, cũng đủ để gã đàn ông đã quá nửa đời người rơi nước mắt. Kỷ Sửu 2009, vài cây Thất thốn lại nở hoa, tin này khiến những người chơi đào kinh ngạc. Nhà văn Băng Sơn đã đạp xe lên Nhật Tân để tận mắt chứng kiến cảnh tượng những bông hoa Thất thốn bừng nở. Tết Canh Dần 2010, Thất thốn nở chưa từng thấy trong sau 21 năm anh chắt chiu, chăm bón.
Hoa nở, anh đếm từng ngày, 2009 Thất thốn nở đúng ngày cúng ông Công, ông Táo. 2010 hoa nở từ Rằm tháng Chạp. Sự đong đếm từng ngày, bởi không phải Thất thốn không nở hoa, mà nó vốn là thứ “hoa muộn”. Nó chỉ nở khi Xuân đã cạn ngày, vào độ Giêng, Hai, khi tất cả những loại đào bích, đào phai, đào bạch, đào vườn, đào đá… đã bắt đầu rữa cánh dưới nắng ngày Xuân cuối thì nó mới kiêu hùng khoe sắc.
 
 
Cũng không ai biết rõ loài hoa vương giả nhất trong các loại đào này vì sao lại có mặt ở Nhật Tân, và có tự bao giờ? Nhiều người yêu loài hoa này đến nỗi đã đặt cho nó thêm những cái tên như đào thờ, đào bói, đào tiến vua… Cứ sau Rằm tháng Giêng mới nở, thế mới khó chịu, nên người trồng thất thốn ở Nhật Tân cũng nản lòng dần. Nhiều nhà ở Nhật Tân đầu tư vào loại đào này mất tiền, mất thời gian vô kể mà chưa ai thành công, nên gọi nó là “đào Thất thoát” và để mặc thất thốn đứng cong queo đơn độc ở góc vườn, góc ao nào đó.
 
Đào thất thốn
Khi được PV hỏi về giống đào thất thốn nức tiếng : “Lão đào” Chu Tử Thành, danh tiếng một thời ở vùng Nhật Tân bởi tài trồng, ghép các loại đào, ông vuốt chòm râu dài trả lời bằng mấy dòng thơ:
“…Hồ Tây liễu rủ chim bay lượn
Sông Nhị ru thuyền khách mắt xanh
Ngắm cảnh Nhật Tân đô thị hóa
Hoa đào nở đẹp ở… trong tranh”
Ông bảo rằng, giờ người chơi đào xô bồ, ăn sổi, thiếu sự tinh tế không hiểu hết được giá trị về giống đào này, thế nên người trồng cũng mất sự kiên nhẫn sợ cái chữ “Thất” của đào thất thốn sẽ thành… thất thu, thất thoát và lo rằng nó đang thất truyền.
Không biết Thất thốn có tự bao giờ, nó vẫn tồn tại ở xứ đào Nhật Tân, cô độc riêng mình nơi góc vườn như một kẻ bị “ghẻ lạnh”, không vì xấu mà bởi kiêu kỳ, bất phục. Như người đẹp, nhưng xa lánh, bất tuân không chiều lòng thế chủ thì cũng đành để “khóa Xuân” một chỗ mà thôi.
Thứ hoa ám ảnh nỗi muộn Xuân, làm dai dẳng những suy tư, liên tưởng đến nhị Kiều bạc mệnh. “Đông phong bất dữ Chu lang tiện/ Đồng tước Xuân thâm tỏa nhị Kiều”.
 
Hoa Đào chỉ có ý nghĩa với dịp Tết, ngày Xuân, Thất thốn trễ hẹn, khi đã khai hoa thì cũng không người thưởng lãm. Như nỗi cô đơn, thấy hoa không thấy người đâu mà xưa Thôi Hộ và Nguyễn Du đồng cảm “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”. Cứ thế, Thất thốn mất dần đi, tàn lụi dần đi.
 
Mòn mỏi chờ hoa nở :
Khác với tất cả những thứ hoa đào thông thường mà ai cũng biết, đào thất thốn có thân, cành tương đối khiêm tốn, ít cánh. Mầm nhỏ xanh tía như lưỡi kiếm vung lên. Hoa đỏ thắm tươi, nếu cây ít hoa thì bền kỳ lạ, nếu hoa nở nhiều thì chóng tàn hơn đào thường. Hoa đào là loài có một đặc điểm riêng mà không một loại cây nào có được: dù bị cắt lìa cành vẫn trổ hoa, kết quả. Đất càng cằn cỗi hoa càng đẹp nhưng điều kiện phải trồng ở đất sét, đất thịt trong đồng chứ không trồng ngoài đất bãi lắm phù sa và thất thốn phải được bón bằng phân bắc “xịn”.
 
Hậu sinh khả úy": Nghệ nhân Lê Hàm (Anh cho biết : Đã biết bí mật của loài hoa lạ lùng này)- là người trồng đào thuộc lớp con cháu So với lão đào Chu Tử Thành
Lê Hàm bên cây đào Thất Thốn đẹp nhất vườn là người.trồng đào Thất Thốn trong 20 năm, anh chứng kiến chỉ có 3 lần đào ra hoa.
 
Còn ông Công Văn Tung, cũng đã nhiều năm trồng đào thất thốn bên làng Phú Gia, phường Phú Thượng cho hay: “Đúng là chẳng có giống đào nào lại khó tính như đào thất thốn. Vừa khó trồng, lúc được lúc không cho nên dân trồng đào nếu tính công chăm bón cho giống cây này thì không có hiệu quả về kinh tế. Cho nên, đào thất thốn giờ đang ngày trở nên quý hiếm, đúng là vừa sợ thất thu rồi lo nhất là giống đào này đang có nguy cơ thất truyền”.
 

"Tràn đầy sức sống,niềm tin và hy vọng - Đào thất Thốn"

Thất thốn còn có sức sống mãnh liệt hơn cả, có thể trồng được trong chậu, trong khi đào thường chỉ khoảng 3 năm là chết. thất thốn thân ngắn, gốc xùi phồng xù xì, lá to dài xanh đậm, vỏ cây nếu bóc ra thì tím màu mận chín chứ không trắng xanh màu gỗ như các loại đào thường. Giống đào xù xì, rêu mốc này có sức hút người yêu hoa kỳ lạ, mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng đốt ngón tay, có thể trổ tới 7 bông hoa, nên gọi là thất thốn.
Thất thốn đỏ từ rễ đỏ lên tới búp, mầm cứng cáp và nhọn như lưỡi kiếm. Hoa đỏ vô cùng, tựa như hoa hồng nhung vậy, có thể trổ bông từ gốc. Thất thốn sở hữu một vẻ đẹp không một loại đào nào sánh được. Cánh hoa dày, màu đỏ nhung, sáng nở một bông, trưa nở tiếp một bông, có người sợ cây nở hết mà không được ngắm nên không dám ngủ. Cây nhiều bông thì chóng tàn hơn đào thường, nhưng cây ít bông thì bền đến lạ lùng.
 
Sự nghiệp "Trồng đào Thất Thốn" :


Đúc kết từ những năm trồng hoa giống, Nghệ nhân làng đào cũng phần nào hiểu và áp dụng để đào thất thốn dần phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Nhật Tân. Đứt từng khúc ruột khi cây đào với thế "Mảnh đời còn lại" đã chết vì bị sâu mọt.



Trong khi các vườn đào bích, đào hạt đơm hoa khoe sắc thu lợi thì giống đào thất thốn vẫn khẳng khiu lặng lẽ trong sự nâng niu.



Cây đào thất thốn có vẻ đẹp không ở sự rực rỡ, nó quí giá bởi tạo nên sự khác biệt của màu đỏ trầm và sự xù xì cằn cỗi.

Công sức, tiền bạc dồn cho đào thất thốn

Một cây đào Thất Thốn ra hoa vào dịp Tết Nhâm Thìn 2012.

Chế ngự được giống đào Thất Thốn không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, không phải cứ muốn là được. Những phương pháp chăm sóc thông thường như tuốt lá, chiết, ghép, tỉa cành, khoanh gốc…đều bất lực với đào Thất Thốn.

Ở Lạng Sơn :
Không có nhiều loại và diện tích trồng đào cũng ít hơn Hà Nội hay các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nhưng Lạng Sơn lại có được những cây đào đem lại giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị kinh tế cao, trong đó phải kể đến đào Thất thốn, loại đào mà nhiều người cho rằng nó đã mai một dần theo thời gian.
    
                      
Chăm sóc đào Thất Thốn
 
Không chỉ riêng ở Lạng Sơn mà ở nhiều nơi cũng xuất hiện đào Thất thốn. Tuy nhiên hiện nay, số lượng loại đào này không nhiều và tập trung rải rác ở các nơi. Lý do chính vì hoa nở ít khi vào dịp tết và thời gian chăm sóc một cây đào khá lâu. Loại đào này không trồng tập trung thành từng vườn đào như ở các tỉnh đồng bằng bởi đặc điểm sinh học của cây đào Thất thốn có đôi chút khác và diện tích chuyên trồng đào cũng không nhiều nên đào Thất thốn thường được trồng và chăm sóc trong chậu hoặc vườn ươm nhỏ. Theo ông Vy Thanh Giảng, chủ nhiệm câu lạc bộ sinh vật cảnh thành phố Lạng Sơn thì nguồn gốc cây đào này đã có từ rất lâu, là loài đào quý hiếm nên chỉ dành cho vua chúa thưởng ngoạn vào ngày xuân, chính vì vậy nó có ý nghĩa và giá trị kinh tế cao. Cây đào Thất thốn cao khoảng 70 cm (có những cây được trồng thẳng xuống đất và không có tác động của con người có thể cao hơn nhiều nhưng ít giá trị). Đào Thất thốn được uốn tỉa và chăm sóc trong chậu, thông thường thì chỉ cần trồng 1 năm đã cho hoa, hoa màu hồng phai, nở nhiều và cây 3 năm tuổi mới kết quả. Cây thường thấp nên hoa và quả thường mọc tận sát gốc. Ông Giảng còn cho biết thêm, vì là giống đào quý nên tìm được những cây đào Thất thốn thật 100% không đơn giản bởi cây bị lai ghép nhiều. Trong 30 hội viên của câu lạc bộ thì chỉ có vài người là có được những cây đào Thất thốn còn giữ được nguyên gốc. 
Nhiều người chơi đào cho rằng chơi đào Thất thốn vẫn là thú vị và đặc biệt nhất : Hoa đào Thất thốn đã đẹp nhưng khi kết quả thì không ai tin vào mắt mình và nghĩ đó chỉ là cây hoa giả bởi cây thì nhỏ nhưng quả ra kín xung quanh từ gốc đến ngọn. Tuy nhiên những năm gần đây, do khí hậu có nhiều biến đổi nên việc ra hoa, kết quả không đều đặn như trước kia, có khi mấy năm mới nở hoa vào đúng dịp tết, còn lại đều nở ra Giêng do đó việc chăm sóc hết sức cẩn thận, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm mới có thể vừa tạo được thế đào đẹp, lại có được những bông hoa rực rỡ đầu xuân.
Giá trị kinh tế từ cây đào Thất thốn có nhiều điểm tốt, song hiện nay thì việc lai ghép đào Thất thốn với một số loại đào khác diễn ra phổ biến khiến nhiều người nhầm lẫn với đào Thất thốn chính gốc và ít nhiều cũng ảnh hưởng tới giá trị kinh tế của loại đào này .Để trồng và chăm sóc đào Thất thốn  tạo ra được một cây ưng ý không phải dễ bởi nó chịu nhiều yếu tố chi phối như thời gian, giống, kỹ thuật chăm sóc, thời tiết… đặc biệt là thời điểm ra hoa rất quan trọng bởi đào Thất thốn không chỉ cắt, tỉa, uốn thành cây thế mà nó còn là cây hoa biểu tượng của ngày tết, của không khí ngày xuân. Hiện nay đào Thất thốn còn không nhiều, người trồng cũng ít hẳn đi khiến nhu cầu ngoài thị trường càng cao. Việc gây giống và chăm sóc tốt cho giống đào này không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn khôi phục lại được phong trào trồng và chơi đào Thất thốn ở Lạng Sơn.

Ở Đà Lạt, Lâm Đồng :
Cây đào thất thốn Đà Lạt đầu tiên được nghệ nhân Vũ Hữu Sửu gây giống vào năm 1968. Đến năm 1996, nghệ nhân Mười Lời đã ghép thành công đào thất thốn lên cây đào Đà Lạt. Và tiếp tục thành công của cha mình, anh Bùi Văn Sang đã cho cây ra hoa được đúng vào dịp Tết Tân Mão 2011.
Quả đào Thất Thốn Đà Lạt lớn, đường kính khoảng 4-6cm, màu vàng có má hồng sậm, vỏ mỏng và rất ít lông. Khoảng tháng tư âm lịch thì quả chín hồng trĩu cây .
 
 
 
 Đào Thất Thốn hiếm khi trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán
 
Trong khu trưng bày Hội hoa xuân Tân Mão : cây quý hiếm, hiện vật thu hút nhiều ống kính máy ảnh nhất chính là cây đào Thất Thốn. Màu hoa khác ở vùng đất miền Bắc( Như thấy ở Lạng Sơn , Sơn La , Nhật Tân )
 
Xuấn thân từ Thung lũng hoa Đào của cố nghệ nhân Mười Lời (Đà Lạt, Lâm Đồng), cây đào thất thốn được chính con trai của ông Mười Lời – anh Bùi Văn Sang – đưa đến Hội hoa xuân Tân Mão.



Đào Thất Thốn thu hút nhiều sự chú ý
 
Theo lời giới thiệu của anh Sang, đào Thất Thốn là một giống đào cổ ở Nhật Tân (Hà Nội). Mỗi thốn, tức mỗi tấc theo cách gọi của các cụ, của thân cây có thể trổ 7 hoa nên mới có tên gọi là “Thất Thốn”.
 
Đào thất thốn có dáng lùn, đẹp tự nhiên, tuổi thọ cao và có nhiều hoa, sai quả. Khác với những giống đào bích, đào phai, đào Thất Thốn nở hoa muộn vào sau rằm tháng giêng, hiếm khi chịu nở hoa đúng Tết Nguyên đán.  “Mỗi năm thân đào chỉ cao thêm được 3cm, hoa kép gồm 7 cánh có màu đỏ, còn hoa đơn gồm 5 cánh có màu hồng. Nghe nói sau 30 năm tồn tại, màu hoa đơn sẽ chuyển hóa thành hoa kép, nhưng điều này chưa ai kiểm chứng được”, anh Sang nói.
 
 
Đặc tính đào thất thốn Đà Lạt
Đào thất thốn Đà Lạt là một loại cây cảnh có dáng lùn, đẹp tự nhiên, nở nhiều hoa, sai quả, tuổi thọ cao và có tên khoa học Prunus Persica, thuộc họ Hoa Hồng (Rosaceae).
Đào thất thốn Đà Lạt đầu tiên được một nghệ nhân ở Ấp Đa Thiện ( Đà Lạt ) - cụ Vũ Hữu Sửu, gây giống và phát triển vào năm 1968. Sau đó được một nghệ nhân ở ấp Hà Đông ( Đà Lạt) – cụ Ngô Nhật Tiên, đưa cây vào trồng chậu tạo thế phát triển thêm về mặt nghệ thuật. Hiện nay, đào Thất thốn Đà lạt có mặt ở hầu hết vườn cảnh của những nghệ nhân tại Đà Lạt.
 
Cây đào Thất Thốn - trong khu trưng bày Hội hoa xuân Tân Mão.
 
Đào Thất thốn Đà Lạt là một loại cây có giá trị nghệ thuật rất cao trong bonsai- cây cảnh. Ngoài các đặc điểm giống như đào thường như lá đơn, hình mác, mọc so le, có mép răng cưa; vỏ thân già màu xám; trái hình cầu có đầu nhọn; hạt hình bầu dục có một đầu nhọn và có vân lồi lõm, còn có một số đặc điểm sau:

- Tán cây thường rất rậm vì lá chen nhau, và vì lá đào Thất thốn Đà Lạt lớn và dài hơn lá đào thường; dài 10-20 cm, rộng 1,5-2 cm. Đào Thất Thốn Đà Lạt có nõn lá non màu xanh trong khi nõn lá đào thất thốn Hà Nội màu xanh phớt đỏ sậm. Đào thất thốn Hà Nội có lá ngắn và nhỏ hơn đào Thất thốn Đà Lạt.

- Tại đốt cây, khoảng cách giữa 2 lá của đào thất thốn Đà Lạt rất ngắn, cứ 1cm có 5-7 lá trong điều kiện ánh sáng thường. Đó chính là lý do khiến chiều cao của cây phát triển chậm. Mỗi năm cành và thân đào phát triển dài thêm được khoảng 3-5 cm.

- Cành và thân đào thất thốn nói chung cứng và dòn nên khó uốn, nhất là khi đã hóa mộc.

- Thân cây có nhiều vảy sẹo. Vỏ thân cây đã hóa mộc thường có màu xám trong khi thân đào Thất thốn Hà Nội có mầu nâu sậm.

- Hoa đào Thất thốn Đà Lạt có màu hồng lợt với 5 cánh hoa, một vòi nhụy cái, khoảng 25 cuống và túi phấn hoa. Đào Thất thốn Hà nội có hoa kép cánh nhỏ hơn, màu đỏ sậm và thường ra hoa tập trung hàng loạt vào dịp tết. Đào Thất thốn Hà Nội ra hoa cũng dịp này nhưng trong khoảng thời gian kéo dài, rải rác hơn.

- Quả đào Thất thốn Đà Lạt lớn, đường kính trung bình 4-6 cm, màu vàng có má hồng sậm. Hạt nhỏ hơn đào thường và trái có vỏ mỏng, ít lông. Đào thất thốn Đà Lạt cho quả rất sai. Hoa đào tự thụ phấn, không cần thụ phấn chéo với giống đào khác.

- Thời gian thọ hàn ( chill collection) thấp vì giống đặc chủng từ thành phố Đà Lạt nơi có nhiệt độ mùa đông không kéo dài bằng Hà Nội.

- Cây có giá trị trang trí 2 lần: một lần vào dịp tết khi cây ra hoa và một lần vào khoảng tháng tư âm lịch khi quả chín hồng trĩu cây.

- Tuổi thọ của đào thất thốn chưa được xác định chính xác mà các nhà trồng trọt đều nhận xét là đào Thất thốn ở độ tuổi 20 vẫn cho nhiều hoa, trái nhiều. Riêng những cây ở Đa Thiện từ năm 1968 hiện nay vẫn phát triển tốt.

- Đào Thất thốn Đà Lạt có thể nhân giống bằng cách ghép, chiết và gieo hạt nhưng cây được nhân giống từ hạt vẫn giá trị hơn vì dễ chăm sóc và có tuổi thọ cao hơn. Yêu cầu về đất trồng và dinh dưỡng của đào Thất thốn cũng như đào bình thường ngoại trừ khi trồng trong chậu phải đưa đào ra ánh sáng khoảng 10 giờ/ngày trong đó có 6 giờ ánh sáng trực tiếp. Khi đặt cây ở mái hiên nên để cây đặt cây gần tường hướng về phía nam. Với vị trí đó cây sẽ có ánh sáng chiếu nhiều nhất là ánh sáng phản chiếu từ tường. Có như vậy đào thất thốn mới đủ điều kiện phát triển tốt và trái chín có màu đỏ sậm.
- Đào thất thốn Đà lạt cũng chịu ảnh hưởng bởi sâu bệnh như đào thường như sâu đục lá và quả. Tuy nhiên, đào thất thốn ít bị sâu đục thân hơn có thể do thân gỗ cứng hơn đào thường. Đặc biệt lưu ý không trồng gần các cây thuộc họ Hoa Hồng để tránh lây nhiễm bệnh.
- Đào thất thốn nói chung vốn có dáng tự nhiên đẹp không cần tạo thế.
 
 
Còn đó những lời giải đáp khoa học và thuyết phục về  đệ nhất đào :
Xưa, các nghệ nhân vẫn ca tụng, đồn thổi với nhau về giống đào vua - Thất Thốn. Đó là giống đào năm xưa chuyên dùng để tiến vua mỗi dịp Tết. Nó có thân đen, xù xì, khi chưa nở hoa, trổ mã thì trông cứ như một cành củi mục được ai đó cắm vào chậu cây cảnh, buồn thiu, xúi quẩy, chẳng có chút sinh khí, sức sống nào. Đến độ, nếu không được giới thiệu trước, dịp giáp Tết, bước vào nhà ai mà có cây đào Thất Thốn này, khách chắc hẳn phải lấy làm ái ngại cho vượng khí của chủ nhân trong năm mới. 
Ấy thế mà khi đã nở hoa thì đào Thất Thốn rực rỡ và đẹp đến thần bí mà chẳng có loài đào nào sánh được. Lúc sắp ra hoa, thân cây hoa cứ sáng dần lên. Rồi từ trong cái màu đen chết chóc của thân cây nhú lên những chồi xanh mướt và những nụ hoa đỏ thắm. Màu đỏ của hoa đào Thất Thốn thật đặc biệt. Nó chẳng khác nào màu đỏ trên dải giấy viết các câu đối Tết, mà bay bổng trên đó là những nét bút tài hoa của các ông đồ già. Cánh hoa Thất Thốn dày dặn, ở giữa là nhụy vàng. Cả cây hoa là những sự tương phản, đối lập đến ngỡ ngàng: Đối lập về màu sắc (màu đỏ của hoa và màu đen của thân cây), đối lập về sức sống (sự đen mục già nua của thân cây và sự xanh non, măng mớn của chồi). Những cành Thất Thốn dáng khẳng khiu, hoa đỏ thắm, lại được đặt trong chậu xanh mướt với thảm thực vật li ti ở phía dưới, dễ làm liên tưởng tới khung cảnh hùng vĩ của một cây gạo lâu năm ngạo nghễ giữa thảo nguyên xanh.
  Thất thốn : Mỗi thốn, tức mỗi tấc theo cách gọi của các cụ có thể có 7 hoa đào, vì thế mới có tên gọi Thất thốn.Hay cách giải thích khác ,Đào “ Thất Thốn “ là loại đào có cây cao hơn mặt đất không quá bảy tấc,trồng trong ba năm mới đơm hoa,bảy năm cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có bảy cánh...Thất là vì thông thường cả cây đào một năm chỉ ra 7 hoa, rồi lá dài 7cm hay một năm các cành chỉ lớn thêm 7 tấc… Mỗi năm cây chỉ chịu cao thêm khoảng 7 thốn (hơn 20cm nên được gọi là "thất thốn" ..... Mỗi thốn, tức mỗi tấc theo cách gọi của các cụ, của thân cây có thể trổ 7 hoa nên mới có tên gọi là “Thất Thốn”.“Mỗi năm thân đào chỉ cao thêm được 3cm, hoa kép gồm 7 cánh có màu đỏ, còn hoa đơn gồm 5 cánh có màu hồng... Nghe nói sau 30 năm tồn tại, màu hoa đơn sẽ chuyển hóa thành hoa kép, nhưng điều này chưa ai kiểm chứng được,...
Chẳng ai đưa ra được một giải thích rõ ràng, minh triết về cái tên: Đào Thất Thốn. Tất cả chỉ là phỏng đoán từ một số đặc điểm của cây ( Thậm trí phân biệt màu sắc chỉ có màu đỏ thắm hay màu hồng phai,hay...? ) . Có người nói là do mỗi thốn đào (nhánh nhỏ) dài 7 tấc, nở ra 7 bông đào. Có người lại nói tên Thất Thốn là sự cộng lại của hai chữ: “Thất bát” và “thiếu thốn”, do trồng đào Thất Thốn thì nghèo, không chóng thu lợi như trồng những loài đào khác. Nguyên nhân là do đào này rất khó ra hoa, mà có ra hoa thì thường vào Rằm Tháng Giêng, đã qua Tết mất rồi, vì thế, nếu trồng chơi thì không sao, chứ trồng để kinh doanh thì thua to.
Cũng chẳng ai biết gốc gác chính xác của giống đào này ,cũng chẳng có ghi nhận tỷ mỷ ở những vùng đất nào của đất nước chúng ta phân bổ loại đào quý này . Chỉ biết các cụ truyền lại rằng, đây là vua của các loại đào và thường được dùng để tiến vua. Có người nói Thất Thốn là giống đào có gốc gác từ Trung Quốc, nhưng,ngay như nghệ nhân Lê Hàm ( Làng đào Nhật Tân ) nói : Đã từng sang Trung Quốc xem các loại đào, mà chẳng thấy loại nào giống đào Thất Thốn của Việt Nam. Trong các tranh cổ, người ta thấy bóng dáng của cành đào Thất Thốn. Người ta kể với nhau rằng, các gia đình Hà Nội xưa, nhà nào có cây đào Thất Thốn trong nhà là quý lắm, cả nhà mong ngóng từng ngày, đếm từng bông đào nở. Thế nhưng, cũng rất hiếm khi đào nở.
Vẫn còn đó những bí ẩn và câu chuyện còn tiếp về loài đào quý hiếm này của chúng ta,còn đó những điều cần lý giải .Công sức  để có những cây đào Thất Thốn hôm nay thật chẳng biết bao nhiêu mà kể. Nhưng cái đáng quý hơn là những người yêu hoa đích thực lại được thưởng thức vẻ đẹp của Thất Thốn, lại được bàn tán, chiêm ngưỡng nó mỗi dịp Tết đến, xuân về, gia đình tụ họp,quây quần trong khu vườn rực sắc xuân để uống rượu, vịnh thơ, ngắm đào Thất Thốn nở. Chuyện kể rằng, có một nhà sư trụ trì tại một ngôi chùa ngoại thành Hà Nội có thú chơi cây cảnh. Nhà sư ấy thường đến các vườn đào để thưởng hoa xuân. Say mê vẻ đẹp của Thất Thốn, nhà sư ấy làm hai câu thơ dân dã thế này:
---------------------------------------------
Bài viết được cô đọng từ nhiều nguồn tin khác nhau : Từ hiểu biết của các nghệ nhân ,các nguồn tin báo chí và các chủ vườn cảnh hay người yêu thích cây cảnh, chúng tôi mong có cái nhìn khách quan để viết bài về loại đào cổ,quý hiếm này . Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều tranh luận ,chưa thống nhất về đặc tính loại cây này cũng như những thông tin" Không biết đâu mà lần ", Còn đó câu hỏi của những người đam mê cây cảnh nghệ thuật và trân trọng giá trị thật, và vẻ đẹp tự nhiên vốn có của loại đào " Hiếm,ít người biết rõ " này.

Nguồn: http://thúchơinghệthuật.vn/

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

1 nhận xét:

Minh Dzi nói...

tưởng đâu con người chảnh nhất ai dè cây này còn chảnh hơn =]]
Hoàng Nguyên Green

Đăng nhận xét